Blockchain và kỳ vọng mới cho nông nghiệp Việt
Blockchain về cơ bản sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu và cải thiện đáng kể khả năng của các công ty và cá nhân trong việc theo dõi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, tại Việt Nam, ứng dụng blockchain trong nông nghiệp là rất mới. Hiện, công nghệ cùng với đất đai, tuổi thọ chính sách và liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, vẫn là 4 nút thắt căn bản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Truy xuất nguồn gốc nhanh chóng
Tập đoàn bán lẻ Walmart đã thử nghiệm thành công hai dự án sử dụng công nghệ blockchain để truy nguồn gốc của thịt heo ở Trung Quốc và xoài ở Trung Mỹ. Trước khi sử dụng công nghệ blockchain, Walmart đã tiến hành một bài kiểm tra truy xuất nguồn gốc một loại xoài được bán tại một trong các siêu thị của Walmart. Kết quả là Walmart phải mất 6 ngày, 18 giờ và 26 phút để lần ra nguồn gốc của xoài từ nông trại ban đầu, nơi chúng được thu hoạch.
Nhưng khi dựa vào công nghệ blockchain, Walmart có thể cung cấp thông tin cho khách hàng tất cả thông tin về chuỗi cung ứng loại xoài đang bán chỉ trong vòng 2,2 giây bằng cách quét mã QR (mã phản hồi nhanh) được dán trên hộp xoài.
Khách hàng chỉ cần sử dụng thiết bị đọc mã QR để nắm bắt được nguồn gốc của các lát xoài bán trong siêu thị của Walmart. Ảnh: Walmart
Do vậy, nếu loại xoài đang bán bị nhiễm khuẩn, Walmart sẽ nhanh chóng truy ra được nó được trồng ở nông trại nào, khu vực nào. Sau đó, Walmart sẽ xác minh xem có loại xoài đó bị nhiễm khuẩn từ nông trại đó hay trong quá trình vận chuyển. Nếu nguồn gốc nhiễm khuẩn là từ một nông trại cụ thể nào đó, thay vì thu hồi tất cả các loại xoài và đem đi tiêu hủy, Walmart chỉ cần thu hồi loại xoài có nguồn gốc từ nông trại nơi để xảy ra nhiễm khuẩn. Các loại xoài khác vẫn được duy trì trên kệ và điều này giúp tránh lãng phí thực phẩm rất lớn và tiết kiệm chi phí thu hồi.
Ngăn ngừa gian lận thực phẩm
Một báo cáo của công ty kiểm toán PwC cho biết, các vụ gian lận thực phẩm (kém chất lượng hoặc bị làm giả) gây thiệt hại cho ngành thực phẩm toàn cầu khoảng 40 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Công nghệ blockchain có thể giúp ngăn chặn các vụ gian lận thực phẩm bằng cách cung cấp cho khách hàng các thông minh minh bạch về nguồn gốc thực phẩm.
Giúp nông dân được thanh toán nhanh hơn
Khoảng 1,5 tỉ gia đình trên thế giới kiếm sống bằng nghề nông với quy mô hoạt động nhỏ. Song một vấn đề mà mà nhiều nông dân gặp phải là sau khi giao nông sản cho người mua, họ phải chờ nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới được thanh toán. Điều này khiến cho cuộc sống của họ khó khăn hơn. Vì thế, nhiều công ty đã phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng blockchain để cung cấp dịch vụ chuyển tiền thanh toán ngang hàng gần như tức thời (thanh toán trực tiếp, không thông qua bên thứ ba chẳng hạn như ngân hàng) giữa nông dân và người bên mua nông sản.
Bước đầu ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp tại Việt Nam
“Sản xuất xoài đã đi vào quỹ đạo nhưng khâu tiêu thụ còn gặp một số vấn đề”, đại diện hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ tại Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit ngày 8/6.
Với 95 ha xoài, khâu thu hoạch và tiêu thụ của hợp tác xã này thường gặp nhiều khó khăn. Không ít người tiêu dùng chê sản phẩm chua, kém ngon khi sử dụng chưa đúng thời điểm thích hợp. Mỹ Xương cũng không ít lần phải bù lỗ sau những đơn hàng bị giả mạo do không chứng minh được nguồn gốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm HTX xoài Mỹ Xương. Ảnh: Vietnamplus.
Thực tế, Mỹ Xương cũng đã gắn tem cho những sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Bùi Minh Cần, Phó Giám đốc hợp tác xã người tiêu dùng chưa thực sự tin vào thông tin được cung cấp. “Chi phí cho việc dán tem và xây dựng ứng dụng quản lý cao cũng là khó khăn với chúng tôi. Cùng với đó, rất mất thời gian để triển khai các module đồng bộ cho chuỗi cung ứng từ đầu”, ông Cần chia sẻ thêm.
Blockchain được kỳ vọng mang đến sự thay đổi trong quá trình truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Ông Cần cho rằng hệ thống quản lý blockchain sẽ được kích hoạt thông tin từ thu hoạch, ra đại lý, tới tay người tiêu dùng, thông tin không thể thay đổi được, việc giả mạo tem khó khăn hơn.
Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược Infinity Blockchain Labs (IBL) khẳng định, blockchain là khối chuỗi mở phân tán cho người dùng cùng truy cập bình đẳng và minh bạch. Tất cả các thông tin từ quá khứ đến tương lai đều được ghi tiếp nối thành chuỗi khối và không thể thay đổi được.
Nhiều thách thức trong triển khai
Những lợi ích to lớn mà công nghệ blockchain mang đến cho ngành nông nghiệp là rất rõ ràng. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc chuyển đổi công nghệ nào cũng vướng các thách thức và nhược điểm.
“Blockchain không phải là chìa khóa vạn năng cái gì cũng mở được”, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Ecomviet đặt vấn đề. Theo ông Minh, blockchain lưu trữ giữ liệu đảm bảo tính an toàn, tuy nhiên không thể xác thực được chất lượng cũng như tính chính xác của thông tin đầu vào. “Blockchain không phải máy kiểm tra nói dối”, ông nhận định.
CEO TraceVerified, ông Bùi Huy Bình cũng thừa nhận blockchain có thể lưu trữ thông tin tốt hơn, nhưng để thông tin được minh bạch hơn, cần có kiểm chứng.
Ông Bình cho rằng cách kiểm chứng tốt nhất là phải có sự tham gia các đơn vị IOT đưa thông tin tự động hoặc có sự tham gia của các Hiệp hội, cơ quan nhà nước hoặc bên thứ 3 là tổ chức độc lập xác nhận thông tin. Khi đó, blockchain sẽ lưu đươc thông tin chính xác. “Nếu không có xác nhận mà cứ lưu, thông tin có thể sẽ như một đống rác”, ông Bình xác nhận.
Giải thích thêm, ông Đô Văn Long, Giám đốc chiến lược IBL cho biết blockchain lưu trữ dữ liệu dựa trên hạ tầng đang có sẵn và chỉ áp dụng vào một số điều kiện nhất định. Theo ông, các trường hợp ứng dụng lưu trữ thông tin trên blockchain đều phải có quy trình sản xuất rõ ràng.
Chi phí có xứng với đầu tư?
Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến lo ngại về chi phí khi ứng dụng blockchain cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Long – đại diện IBL cho biết hiện mới chỉ yêu cầu Mỹ Xương bỏ chi phí làm tem dán trên trái xoài, các nền tảng công nghệ khác đang được hỗ trợ. Chia lửa với ông Long, với kinh nghiệm ứng dụng trên quy mô lớn hơn xoài Mỹ Xương, ông Đào Hà Trung, giám đốc TE-FOOD cho biết ứng dụng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain giúp cải thiện chất lượng nguồn thông tin, do đó, lợi ích lớn hơn hẳn cách quản lý dữ liệu cũ. Ông Trung cho rằng các doanh nghiệp đều làm được việc truy xuất nguồn gốc ứng dụng blockchain.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời từ hai đại diện trên, vị khách tham dự đến từ công ty công nghệ tiếp tục đặt vấn đề: “Với công nghệ blockchain – rất điển hình, rất sâu vào một lĩnh vực nào đó, liệu chi phí bỏ ra để ứng dụng công nghệ có thể giúp xoài Mỹ Xương tăng giá trị 20% hay không, có giúp thị phần, doanh thu tăng hay không?”.
Trả lời về câu chuyện chi phí, một vị khách khác đưa ra ví dụ việc dùng internet, dùng truyền hình cáp, khách hàng phải trả tiền hàng tháng, blockchain cũng chính là như thế. Như việc mua rau sạch hiện nay, chi phí trả thêm cho việc sử dụng blockchain cũng tương tự chi phí để xác định các sản phẩm đó được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, Trưởng ban Pháp chế IBL cho rằng bài toán trái xoài chỉ là một minh chứng để minh chứng cho việc blockchain hiện hữu thế nào. Theo bà Thảo, khi phát triển blockchain không phải một doanh nghiệp như hợp tác xã Mỹ Xương sẽ mua phần mềm để ứng dụng blockchain. Thay vào đó, Việt Nam sẽ phải phát triển cả hệ thống ứng dụng “foodchain” áp dụng cho các cả sản phẩm khác.
Phát triển ứng dụng blockchain sẽ phải chia sẻ chi phí từ doanh nghiệp sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước, cho đến người tiêu dùng. “Đây là một sự chia sẻ chi phí để cùng nhau nâng cao giá trị sản phẩm”, bà Thảo phân tích.
“Nói về blockchain rất mơ hồ, cũng như internet, sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi hình thành”, bà Thảo nhận định và cho rằng câu chuyện trái xoài Mỹ Xương chính là bằng chứng và thông điệp cho sự hiện hữu và sức mạnh của công nghệ blockchain truyền tới tất cả các cơ quan chức năng làm chính sách. Theo bà, không chỉ riêng trái xoài Mỹ Xương mà còn thanh long và các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam đều có thể thành công khi áp dụng công nghệ này để giải bài toán “nhức nhối” về thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện nay.
Dù vậy, hiện blockchain vẫn đang được ứng dụng tự phát theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nền tảng pháp lý chưa rõ ràng cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại việc sử dụng. Ông Nguyễn Thanh Hưng Chủ tịch VECOM cho rằng trước sự thay đổi từng ngày của nền kinh tế số, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp hơn nữa để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng blockchain.
Tổng hợp và sưu tầm!