5 kiểu lừa đảo tiền điện tử phổ biến bạn cần biết!

Lừa đảo tiền điện tử hay lừa đảo tiền ảo là một trong những điều đáng sợ nhất mà nhà đầu tư phải đối mặt khi tham gia vào thị trường này. Thực tế, chỉ trong năm 2019, những kẻ tội phạm đã “cá kiếm” hơn 4,26 tỷ đô la từ việc lừa đảo trong thị trường tiền điện tử. Vậy, các hình thức lừa đảo phổ biến nhất thường được áp dụng ở đây là gì? Làm thế nào để nhận ra và thoát khỏi những bẫy lừa này? Bạn sẽ tìm thấy tất cả câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Ai có thể trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo tiền ảo này?

Nhiều người suy nghĩ lạc quan rằng chỉ có các sàn tiền ảo, với khối tài sản khổng lồ mới có thể trở thành “khách hàng tiềm năng” của những những kẻ lừa đảo tiền điện tử. Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm! Sự thật là, một bộ phận lớn các nhà đầu tư mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường, hoặc chưa có nhiều kiến thức đầu tư, thiếu kiên nhẫn và muốn mau chóng kiếm lời mới chính là con mồi béo bở mà những kẻ lừa đảo nhắm vào. Chúng thường lợi dụng những điểm yếu này của nhà đầu tư, cùng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) mà đa số mọi người đều mắc phải để thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Những hình thức lừa đảo tiền điện tử phổ biến

1. Mô hình Ponzi (Ponzi scheme) – Cũ nhưng hiệu quả

Cùng với sự bùng nổ của thị trường điện tử, mô hình Ponzi cũng nhanh chóng du nhập và trở thành một ngôi sao sáng bởi hiệu quả mà nó thu về. Công thức chung của mô hình Ponzi: Người tham gia nộp vào một khoản tiền nhất định và sẽ được trả lãi lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng, như một khoản lợi nhuận từ số tiền vốn ban đầu (nhưng đó thực ra là tiền của những người đầu tư sau).

Nói theo một cách khác, mô hình Ponzi hoạt động theo hình thức vay tiền của người này để trả cho người khác, nhưng lại thuyết phục những người tham gia rằng đó là lợi nhuận kiếm được từ khoản đầu tư ban đầu mà họ nộp vào mô hình.

Mô hình siêu lừa Ponzi | ecoblader

BitConnect chính là một ví dụ nổi tiếng nhất của lừa đảo tiền điện tử bằng mô hình Ponzi. Ra mắt vào đầu năm 2017, với lời hứa về lợi nhuận lên tới 40% mỗi tháng. Ở Việt Nam, số lượng người tham gia vào mô hình này chiếm đông đảo nhất (theo thống kê của các site MLM Lending), luôn đứng top 1 hoặc 2. Vào tháng 1 năm 2018, BitConnect bất ngờ đóng cửa khiến giá của đồng token này rớt thảm hại chỉ còn 20 USD (giá trung bình là 365 USD) khiến các nhà đầu tư mất đến 90% số tài sản họ đã bỏ ra.

Hình thức lừa đảo này rất phổ biến và có thể dễ dàng bị nhận ra nhưng tại sao vẫn có nhiều người trúng bẫy? Không quá khen khi nói rằng đội ngũ đứng sau mô hình này thực sự là những “chiến sĩ vượt khó vượt khổ” bởi tinh thần kiên trì, quyết tâm không bỏ cuộc khi một dự án lừa đảo coin có thể kéo dài đến một, thậm chỉ là vài năm, chỉ để “gom góp” đủ lòng tin của các nhà đầu tư. Trong khoảng thời gian đó, người tham gia sẽ “được cho” thấy những kết quả tích cực của mô hình. Nhiều người thật sự nhận được số lãi khổng lồ hàng tháng và họ, tất nhiên, trở thành công cụ quảng bá và gây dựng niềm tin vô cùng hiệu quả để lôi kéo những người mới tham gia. Cuối cùng, khi mô hình không còn có thể hấp dẫn được thêm con mồi mới nào nữa thì nó sẽ tự sụp đổ, những kẻ đứng sau sẽ biến mất cùng với số tiền khổng lồ, bỏ lại những nhà đầu tư, giờ đã là nạn nhân, ngơ ngác không biết đi đâu để tìm lại số tiền đã mất.

Làm thế nào để phòng tránh mô hình lừa đảo Ponzi:

  • Cẩn thận với những dự án tiền điện tử mới khuyến khích bạn giới thiệu các nhà đầu tư mới để hưởng lợi nhuận lớn hơn.
  • Không bao giờ tin tưởng những dự án mà bạn được hứa hẹn trả lại số lợi nhuận cao một cách bất thường (khoảng vài chục phần trăm) chỉ trong một thời gian ngắn

2. Lừa đảo ICO (Fraudulent ICOs) – Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục

Cho những ai chưa biết, ICO là một hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư bằng việc phát hành token trong những đợt mở bán sớm, với giá cực kỳ ưu đãi. Lừa đảo ICO (hay ICO scam) có thể coi là một trong những hình thức lừa đảo được dựng nên kỳ công nhất, bằng việc tạo ra hẳn một loại tiền mã hoá mới, tạo ra các tài liệu để quảng bá, thậm chí thuê văn phòng và thổi phồng lên bằng các phương tiện truyền thông, nhằm thu hút nhà đầu tư mua vào.

Chỉ trong năm 2017, gần 80% các vụ ICO được xác định là scam, gây thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đô la. Các dự án này đều có đặc điểm chung: Sao chép ý tưởng từ các dự án ICO thực khác, từ công nghệ cho đến các tài liệu hỗ trợ token, dựng nên các trang web với những ví ảo (fake wallet) để đóng giả thành các công ty tiền điện tử chân chính. Con mồi của hình thức lừa đảo này là những nhà đầu tư mới với số vốn không nhiều, khao khát kiếm được lợi nhuận từ thị trường tiền điện tử. Khi đó, các dự án ICO sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho phép họ mua tiền ảo với giá rất phải chăng.

What Is an ICO? | Bitcoin Insider

Chắc hẳn các bạn từng nghe về phi vụ lừa đảo ICO của Pincoin và iFan, có trụ sở tại Việt Nam, được cho là đã lừa hơn 30.000 nhà đầu tư với hơn 660 triệu đô la. iFan có nghĩa là một nền tảng truyền thông xã hội cho những người nổi tiếng và Pincoin hứa hẹn 40% lợi nhuận hàng tháng cho các nhà đầu tư. Cả hai sau đó đã được hiển thị là lừa đảo tiếp thị đa cấp (MLM).

Làm thế nào để phòng tránh những dự án lừa đảo ICO:

  • Nghiên cứu kỹ lưỡng các dự án ICO trước khi quyết định mua: Kiểm tra thông tin của đội ngũ đứng đằng sau dự án, sách trắng (white paper), mục đích ra mắt và công nghệ đằng sau nó cùng các chi tiết cụ thể về việc bán mã thông báo.

Dấu hiệu phổ biến của một dự án ICO lừa đảo hoặc Bán hàng mã thông báo:

  • Sách trắng bị sao chép
  • Một nửa đội ngũ là người vô danh, hoặc không thể tìm thấy thông tin trên Internet
  • Tiến hành ICO vội vã
  • Có nhiều điểm không thống nhất giữa văn bản nói và viết
  • Luôn tránh những câu hỏi mang tính xác minh thông tin từ nhà đầu tư
  • Không có lộ trình phát triển cụ thể cho token được phát hành

3. Lừa đảo bơm coin (Pump & Dump Scam) – Khi đời không như mơ

Pump & Dump là thuật ngữ chỉ việc giá Bitcoin (hoặc altcoin) được bơm lên cao (pump) và sau đó đột ngột hạ xuống thấp (dump). Những kẻ đứng sau hình thức lừa đảo này thường thực hiện mưu đồ thao túng giá coin của chúng thông qua các hội nhóm (pump & dump group) trên các ứng dụng như Telegram, Slack, IRC….Nhóm những người mua này sẽ nhắm vào một loại altcoin có vốn hoá thị trường thấp, khiến chúng có vẻ “tiềm năng” bằng cách đẩy giá coin lên cao (Ví dụ: mua coin với giá cao, tung các tin tức giả tác động đến giá) nhằm thu hút những người-mua-mới-bị-tác-động-bởi-tâm-lý-FOMO và bán cho họ với giá cao. Những kẻ đứng sau sẽ ngay lập tức rút lui sau khi đã thu được khoản lợi nhuận đáng kể. Như một điều hiển nhiên, giá đồng altcoin đó – khi đã bị ngừng bơm, sẽ hạ xuống một cách chóng mặt, chỉ để lại các nhà đầu tư với khoản lỗ trời ơi đất hỡi.

Guard against cryptocurrency scams like Pump and Dump schemes | by Verified  On Chain | Blockchain Editorial | Medium

Hình minh hoạ các giai đoạn bơm và xả giá của một đồng coin

Tháng 1 năm 2018, một tài khoản Twitter giả mạo chuyên gia an ninh mạng và người đam mê tiền điện tử John McAfee đã tweet tuyên bố hỗ trợ cho tiền điện tử GVT, thậm chí, đặt tên cho nó là đồng coin tiềm năng nhất tại thời điểm đó. Chỉ bốn phút sau khi tweet này được đăng tải, giá của GVT đã tăng từ 30 USD lên 45 USD và khối lượng giao dịch tăng gấp đôi. Mười lăm phút sau, giá lại dao động quanh mốc 30 đô la một lần nữa, sau khi những người mua đầu tiên ngừng mua và biến mất. Khi kiểm tra kỹ hơn, người ta phát hiện tài khoản Twitter này là giả và hoàn toàn không liên quan đến McAfee. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là một bước đi chủ chốt trong chiến lược thao túng giá được phát minh và được thực hiện bởi một nhóm trên Telegram tên là “Big Pump Signal”

Pump & dump được coi là một hành vi trái pháp luật trong các thị trường tài chính truyền thống. Do đó, trong thế giới tiền điện tử – nơi không được pháp luật bảo vệ, hình thức lừa đảo này đã trở thành lựa chọn ưa thích của những kẻ xấu.

Làm thế nào để phòng tránh Lừa đảo bơm coin:

  • Nghiên cứu cẩn thận thông tin xung quanh bất kỳ loại tiền điện tử nào trước khi quyết định mua chúng.
  • Cảnh giác với các loại tiền điện tử có vốn hóa thị trường thấp với khối lượng giao dịch trung bình nhưng lại đột nhiên tăng giá mạnh.
  • Cẩn trọng với những tin tức trên mạng xã hội có thể đẩy giá một loại coin lên cao

4. Đánh cắp tài khoản (Phishing Scams) – Cái bẫy dành cho những kẻ chủ quan

Có vẻ như những kẻ lừa đảo tiền điện tử ngày càng ưa chuộng việc áp dụng công nghệ cao và tự động hoá trong việc tạo ra hình thức scam tiền ảo mới. Phishing Scams (Đánh cắp tài khoản) chính là một hình thức như vậy. Bằng cách gửi email cho khách hàng, giả danh admin từ sàn giao dịch. Những email này thường chứa đường link dẫn bạn đến một trang web của sàn có giao diện giống hệt với sàn mà bạn thường dùng, những thực chất lại là một trang ảo web lừa đảo (scam site) và tự động sao chép mọi thông tin mà bạn điền vào.

Do đó, nếu bạn bất cẩn đăng nhập thông tin tài khoản vào trang này, những kẻ lừa đảo sẽ dùng nó để truy cập vào tài khoản của bạn trên sàn giao dịch thực và đánh cắp toàn bộ số tiền của bạn trong đó.

This Phishing Email Scam Cost $2.3 Million - My TechDecisions

Cách phòng tránh lừa đảo đánh cắp tài khoản:

  • Đảm bảo các đường link dẫn đến trang giao dịch mà bạn click vào là trang web chính thức của sàn
  • Tuyệt đối không click vào các liên kết đáng ngờ được gửi đến email của bạn
  • Không bao giờ tiết lộ khóa riêng tư (private key) và thông tin cá nhân khác của bạn

5. Phần mềm độc hại (Malware Scams) – Khi mù công nghệ cũng là một cái tội

Lợi dụng tính chất phức tạp và kỹ thuật cao của tiền điện tử – mà phần lớn những người tham gia không có đầy đủ kiến thức và hiểu biết, phần mềm độc hại hiện đang là một trong những vũ khí hiệu quả của những kẻ lừa đảo tiền điện tử. Phần mềm độc hại được áp dụng trong thị trường tiền điện tử được thiết kế để có thể truy cập vào ví trên sàn (hot wallet) của bạn và rút tiền từ đó. Cụ thể, chúng sẽ theo dõi bảng ghi nhớ tạm của Windows nơi lưu trữ thông tin các giao dịch của bạn để từ đó, thay thế địa chỉ nhận tiền bằng một địa chỉ khác thuộc về kẻ lừa đảo.

Scam Of The Week: Ebola Phishing Grows In Volume

Cách phòng tránh lừa đảo thông qua phần mềm độc hại:

  • Cập nhật chương trình diệt vi-rút thường xuyên để bảo vệ máy tính, điện thoại khỏi các phần mềm độc hại.
  • Không bao giờ tải xuống và cài đặt các ứng dụng, phần mềm trừ khi bạn chắc chắn 100% chúng đến từ một nhà cung cấp hợp pháp và có uy tín.
  • Tuyệt đối không mở những tập tin đính kèm đáng ngờ.

Kết luận

Trên đây là những hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong thị trường tiền điện tử. Phải biết rằng, bản thân thị trường tiền mã hoá hiện tại chưa nhận được sự bảo vệ của bất cứ một tổ chức hay chính phủ nào. Sẽ không có một công thức chung cho việc phòng tránh những nguy hiểm khi tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, hãy nhìn sự việc theo một góc độ tích cực hơn: sự phát triển của những hình thức lừa đảo này sẽ phần nào đó kích thích thị trường tiền ảo phải trở nên ổn định và bảo mật hơn, trong đó người tham gia – các nhà đầu tư sẽ ngày càng có ý thức cẩn trọng trong quá trình giao dịch.

Điều mà các nhà đầu tư nên làm là luôn cảnh giác, tăng cường bảo mật cho các giao dịch tiền điện tử của mình, và luôn cập nhật thông tin liên quan để hạn chế tối đa những rủi ro lừa đảo không đáng có

Nếu sau khi đọc xong bài viết này, bạn chợt nhận ra mình đang vô tình hoặc cố ý tham gia vào một trong những hình thức trên, hãy ngay lập tức ngừng lại và tìm mọi cách thoát ra khỏi nó (một cách ít rủi ro nhất). Không bao giờ là quá muộn, quan trọng là bạn ý thức và học được gì từ đó.

Tapchibockchain tổng hợp!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *